Mụn mủ là tình trạng khá phổ biến thường gặp ở cả nam và nữ. Nó gây ra khá nhiều phiền toái cho chúng ta trong việc chăm sóc cũng như tìm ra phương pháp trị dứt điểm tình trạng này. Eva Fashion sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc liên quan đến mụn mủ qua bài viết dưới đây. Hãy cùng theo dõi nhé!
Mụn mủ là gì?
Mụn mủ là tình trạng lỗ chân lông trên da bị viêm.
Vi khuẩn, bã nhờn (dầu), các mảnh mụn tế bào (tế bào bạch cầu chết) tích tụ lại, tạo thành một hỗn hợp chất lỏng màu trắng hoặc vàng (mủ) gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Tại các vị trí nhiễm khuẩn này, các nốt mụn sưng phồng. Vùng da xung quanh mụn thường tấy đỏ.
Mụn mủ có hình dạng khá giống mụn nhọt nhưng có thể phát triển với kích thước lớn hơn nhiều.
Mụn mủ rất dễ vỡ, có thể gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
Nếu không được xử lý đúng cách, dịch mủ lan sang các vùng da khác, gây tình trạng viêm nhiễm nặng hơn và rất khó điều trị triệt để.
Phân biệt mụn mủ và mụn bọc
Mụn mủ và mụn bọc khá giống nhau, cả 2 đều lớn hơn mụn đầu đen và mụn đầu trắng. Tuy nhiên vẫn có thể phân biệt nhờ những đặc điểm sau:
Mụn mủ | Mụn bọc |
– Mụn mủ thường trông giống như mụn đầu trắng bị viêm và to hơn nhiều. – Mụn mủ là những nốt mụn sưng to, mềm, thường có dạng hình tròn. – Nhân mụn chứa đầy mủ màu trắng hoặc hơi vàng và vết sưng có nền màu hồng hoặc đỏ. Tế bào miễn dịch và tế bào vi khuẩn tập hợp lại để tạo thành mủ này. | – Mụn bọc giống như những mụn thịt nhưng lớn hơn, sâu hơn.
– Mụn bọc có bản chất là mụn viêm, đau, cứng, nằm sâu trong da. – Nhân mụn (đầu mụn) không nhìn thấy được. |
Loại mụn này phát triển khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn làm tổn thương các mô và tế bào sâu dưới bề mặt da.
Mụn bọc là một dạng mụn trứng cá nặng và chúng có thể gây ra các biến chứng về da như đốm đen hoặc sẹo.
Mụn mủ được xếp vào tình trạng viêm da nhẹ đến vừa còn mụn bọc được xếp vào trình trạng viêm da trung bình đến nặng.
Mụn mủ có thể gặp ở vị trí nào?
Mụn mủ có thể xuất hiện trên bất kì bộ phận nào của cơ thể tùy thuộc vào nguyên nhân gây mụn và cơ địa của bệnh nhân. Mụn mủ có xu hướng xuất hiện ở các vị trí da chứa nhiều tuyến bã nhờn, đặc biệt xung quanh mặt, lưng, ngực và vai, những vùng da tiết nhiều mồ hôi như nách, ngực và vùng mu.
Nguyên nhân xuất hiện mụn mủ
Nhiễm khuẩn trên da
Vi khuẩn gây mụn mủ là Propionibacterium acnes (P.acnes). Loại vi khuẩn này được tìm thấy nằm sâu trong các lỗ chân lông và nang lông của da chứ không nằm trên bề mặt da. Chúng sử dụng bã nhờn, dầu do tuyến bã nhờn trên da tiết ra làm nguyên liệu sinh năng lượng cho hoạt động của chúng.
Lỗ chân lông tắc nghẽn do dư thừa các chất bã nhờn tạo điều kiện cho vi khuẩn p.acnes phát triển, vừa tạo ra môi trường chứa hàm lượng oxy thấp vừa cung cấp nguyên liệu cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
Trong suốt quá trình đó, P.acnes sinh ra một lượng lớn các enzyme và chất thải gây kích ứng da, kích ứng hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Bạch cầu trung tính được huy động mang nhiệm vụ tiêu diệt P.acnes.
Hệ quả là, các chất bã nhờn dư thừa, xác vi khuẩn, xác bạch cầu chết tích tụ dần dần tạo thành mủ, hình thành nên mụn viêm.
Bệnh rosacea
Rosacea (hiện tượng da ửng đỏ, chứng đỏ mặt) là một bệnh lý về da hay gặp ở phụ nữ trung niên có làn da sáng màu.
Biểu hiện thường gặp là:
- Hiện tượng da ửng đỏ xuất hiện nhiều ở vùng da hai bên má, đôi khi lan xuống cổ và ngực.
- Nốt sần và mụn mủ.
- Thời gian dài có thể xuất hiện triệu chứng giãn mạch máu, da dày lên.
- Có thế gây cảm giác nóng, rát, ngứa, đau, sưng mặt.
Đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây hiện tượng da ửng đỏ.
Nhưng có một số yếu tố như yếu tố di truyền, thời tiết, thức ăn chứa chất kích thích, luyện tập gắng sức, căng thẳng, stress có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện hiện tượng trên.
Rối loạn hormon cơ thể
Sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trong giai đoạn cơ thể dậy thì, mang thai mà mãn kinh cũng là nguyên nhân làm xuất hiện mụn mủ.
Hormon bị rối loạn khiến da tiết chất bã nhờn nhiều hơn. Lỗ chân lông đầy dầu thừa, bít tắc lâu ngày là môi trường hoàn hảo để vi khuẩn gây mụn mủ phát triển.
Chế độ ăn uống không lành mạnh
Thường xuyên thỏa mãn vị giác bằng các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn cay, nóng. Hay các loại đồ uống chứa nhiều chất kích thích như rượu, bia, caffeine,.. Uống ít nước, làm chức năng gan, thận suy yếu, không đào thải hết các độc tố ra khỏi cơ thể.
Chất độc tích tụ lâu ngày cũng ảnh hưởng không nhỏ đến làn da của bạn, làm da yếu dần và không thể chống đỡ được các tác nhân có hại từ môi trường.
Chế độ sinh hoạt không lành mạnh
Mụn trứng cá đặc biệt là mụn mủ thường xuyên xảy ra với tần suất cao ở đối tượng người có thói quen thức khuya, ngủ không đủ giấc.
Một giấc ngủ không đảm bảo lâu ngày khiến cơ thể trở nên uể oải, mất tinh thần, trở nên căng thẳng, stress, cáu gắt vô lý ảnh hưởng đến sự thay đổi nội tiết tố, là nguyên nhân gây ra mụn mủ.
Vệ sinh da mặt không đúng cách
Vệ sinh da bằng sữa rửa mặt chứa hàm lượng chất tẩy rửa cao, độ pH không thích hợp dù tạo cảm giác “sạch kin kít” cho da sau khi rửa nhưng vô tình khiến da mất đi độ ẩm tự nhiên.
Da trở nên khô hơn, kích thích tuyến bã nhờn tiết nhiều dầu để bù đắp lượng nước đã mất, tạo môi trường cho P.acnes cư ngụ và phát triển.
Sử dụng các loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
Từ lâu, việc sử dụng mỹ phẩm để làm đẹp đã trở thành thói quen của nhiều chị em phụ nữ.
Chính vì vậy rất nhiều hãng mỹ phẩm ra đời đáp ứng nhu cầu cao đó. Tuy nhiên, lựa chọn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần hóa học không đảm bảo, mỹ phẩm hết hạn sử dụng lại trở thành nguyên nhân khiến tình trạng da trở nên yếu ớt.
Hướng dẫn điều trị mụn mủ
Các thuốc dùng trong điều trị mụn mủ nặng
Thuốc, kem bôi da
Trong nhiều loại thuốc, kem bôi da hiện nay thường chứa một vài thành phần có khả năng tiêu diệt tác nhân gây mụn mủ khá tốt.
- Benzoyl peroxide: một tác nhân oxy hóa mạnh có tác động sát khuẩn, tiêu sừng và chống tiết bã nhờn.
- Acid salicylic: Có vai trò tẩy tế bào chết, giảm viêm, ngứa ngáy khi bị mụn mủ.
- Lưu huỳnh: Thấm hút dầu và bã nhờn, cải thiện tình trạng mụn.
- Kẽm oxyd: Săn se bề mặt da, giúp các vết mụn mủ nhanh chóng khô nhân mụn.
- Retinoid: Là dẫn chất của vitamin A, làm thông thoáng lỗ chân lông, ngăn bít tắc lỗ chân lông bằng cách tăng tốc độ hình thành tế bào da mới, giảm tiết dầu đồng thời kháng khuẩn, chống viêm.
Các loại thuốc uống
Các loại kháng sinh đường uống như kháng sinh nhóm cyclin (tetracycline, doxycycline ), erythromycin.
- Isotretinoin đường uống là thuốc được chỉ định để điều trị trứng cá mức độ nặng, rất nặng và không đáp ứng với các điều trị khác.
- Thuốc kháng androgen: ngăn cản tác dụng của androgen (1 loại nội tiết tố trong cơ thể) giúp kiểm soát lượng bã nhờn tiết ra.
Không nên tự ý sử dụng bất kì một loại thuốc nào khi chưa có sự cho phép của bác sĩ da liễu nhằm hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc và cho hiệu quả điều trị tốt nhất.
Cách trị mụn mủ sưng to hiệu quả ngay tại nhà
Dưới đây là một vài phương pháp trị mụn mủ từ nguyên liệu tự nhiên chứa thành phần có khả năng cải thiện tình trạng mụn mủ khá tốt lại dễ kiếm, dễ thực hiện nay tại nhà.
Trị mụn mủ bằng nước cốt hành tây
Củ hành tây chứa hàm lượng kali, vitamin c, lưu huỳnh cao. Do đó làm giảm mụn mủ nhanh chóng, mờ thâm và nuôi dưỡng làn da trắng sáng.
Một vài mẹo trị mụn với hành tây như:
- Hành tây với nước cốt chanh: Chấm lên vùng da bị mụn hỗn hợp nước ép hành tây: nước chanh với tỉ lệ 1:1 trong vòng 10 phút, thực hiện 3 lần/ 1 tuần.
- Đắp mặt nạ hành tây, bột yến mạch và mật ong: Công thức dễ thực hiện theo tỉ lệ 4: 4: 1, đắp trong vòng 15 phút, mỗi tuần thực hiện 1-2 lần để cho hiệu quả tối ưu.
Đắp nha đam tươi lên vùng da mụn mủ
Gel nha đam giúp cung cấp độ ẩm cao cho làn da, giúp da không tiết quá nhiều dầu thừa, hạn chế sự tích tụ của vi khuẩn gây mụn.
Sử dụng hỗn hợp gel nha đam tươi và sữa tươi không đường đắp lên da, massage nhẹ nhàng trong vòng 30 phút.
Mặt nạ đất sét giảm mụn mủ
Mặt nạ được làm từ các loại đất sét thiên nhiên chứa nhiều khoáng chất như kẽm, sắt, magie, canxi,…
Các khoáng chất này có khả năng chống oxy hóa cao, giúp loại bỏ các gốc tự do, đào thải các chất cặn bã, dầu thừa, bụi bẩn, giúp kiểm soát bã nhờn, làm thông thoáng và se khít lỗ chân lông, tiêu diệt tác nhân gây mụn.
Cách phòng ngừa mụn mủ tái phát
Để phòng ngừa tình trạng mụn mủ tái đi tái lại chúng ta nên tuân thủ những khuyến cáo sau đây:
- Đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng da.
- Không nên tự ý sử dụng hay lạm dụng các loại thuốc bôi, thuốc uống nhất là các loại kháng sinh, isotretinoin hay corticoid để trị mụn mà không có sự cho phép của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ của thuốc hay các biến chứng có thể xảy ra.
- Giữ tinh thần lạc quan, tích cực, ngủ đủ giấc.
- Không được tiện tay nặn mụn hay đến các trung tâm làm đẹp không đảm bảo chất lượng để điều trị.
- Vệ sinh da sạch sẽ, sử dụng các loại nước tẩy trang, sữa rửa mặt có độ pH thích hợp.
- Từ bỏ thói quen đưa tay lên mặt, đồng thời vệ sinh chăn, ga, gối, đệm sạch sẽ.
- Sử dụng các loại mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng.
- Không nên ăn các loại thức ăn có hàm lượng đường cao, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, chứa nhiều loại gia vị cay, nóng hay các thức uống chứa các chất kích thích như rượu, bia, caffein, không hút thuốc lá.
- Uống đủ lượng nước mà cơ thể cần.
- Tăng cường vitamin, chất khoáng, các loại thực phẩm giàu protein, chất xơ giúp tăng cường chất đề kháng, giúp cơ thể thanh thải độc tố tốt hơn.
Xem thêm:
[Review Webtretho] Cách trị mụn sau sinh tại nhà đơn giản, an toàn