Chắc hẳn, đối với bất kỳ chị em phụ nào, sẹo là “kẻ thù” vô cùng khó chịu. Sẹo tuy chẳng gây đau đớn gì, nhưng về mặt tinh thần và thẩm mỹ, đó lại là một “cơn ác mộng”. Bởi nếu mô sẹo phát triển quá mức hình thành nên những nếp nhăn cứng và to hơn vết ban đầu, đó là sẹo lồi. Sẹo lồi thường xuất hiện ở ngực, vai, dái tai và má. Do đó, chúng sẽ khiến làn da trở nên sần sùi thô ráp, làm gương mặt kém xinh, già trước tuổi. Và bạn sẽ cảm thấy mất tự tin khi giao tiếp với mọi người.
Qua bài viết sau đây, Tạp chí phụ nữ Evafashion sẽ bật mí cho chị em tất tần tật những vấn đề liên quan đến Sẹo lồi nhé!
Sẹo lồi là gì?
Sẹo được hình thành trong quá trình sửa chữa vết thương khi có vùng da nào đó trên cơ thể bị tổn thương. Bản chất của quá trình hình thành sẹo chính là các mô bị xơ hóa. Sau khi vùng da được khôi phục, các vết thương đã lành thì sẽ xuất hiện sẹo. Vì vậy, việc hình thành sẹo là tất yếu trong quá trình điều trị bệnh. Hầu như, bất kỳ vết thương nào trên da cũng sẽ để lại sẹo.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành sẹo của con người như: khả năng hồi phục các tổn thương tế bào, mức độ tổn thương, vị trí vết thương, cơ địa, giới tính,…
Căn cứ vào tính chất chia sẹo thành 2 loại là sẹo bình thường và sẹo không bình thường.
Sẹo lồi là một trong nhiều hình thức biểu hiện của sẹo bất thường, thực chất là sự phát triển quá mức của tổ chức xơ sau tổn thương da, cả về số lượng lẫn trật tự các mô sợi trong lớp bì. Sẹo lồi phát triển không ngừng, thường nổi cao trên mặt da và lan rộng ra ngoài ranh giới của sẹo. Sẹo lồi không thể tự mất hay trở thành sẹo bình thường được mà nó còn có khả năng lớn dần lên theo thời gian và cần phải có phương pháp điều trị đúng đắn mới có thể làm giảm hoặc mất các vết sẹo ấy được.
Nguyên nhân gây sẹo lồi
Nguyên nhân gây ra là sự rối loạn quá trình tổng hợp và phân hủy collagen dẫn đến sự tích tụ nhiều khiến nó lồi cao hơn những vùng da xung quanh. Sẹo lồi có thể hình thành sau những tổn thương trên da như:
Do chấn thương, bỏng rộp, các vết rách da do tai nạn hoặc những vết mổ phẫu thuật không được xử lý đúng cách: những vết thương dạng này thường phải được làm sạch nhanh chóng để tránh bị nhiễm trùng hoặc tồn đọng các dị vật trên vết thương. Trong quá trình băng bó vết thương, chú ý không được quá chặt, cũng không được quá lỏng lẻo hoặc ngay cả căng kéo vùng da bị tổn thương, khâu các vết thương không đúng kỹ thuật cũng có thể để lại các vết sẹo lồi.
Do nhiễm trùng da hoặc có các dị vật ở bề mặt vết thương trên vùng da bị tổn thương như bụi bẩn, lông,… dẫn đến quá trình làm lành vết thương thứ phát.
Do thường hay sờ hoặc nặn mụn không đúng cách bằng tay: chính thói quen tưởng chừng như vô hại ấy lại tạo điều kiện cho vi khuẩn và các vi sinh vật có hại xâm nhập vào cơ thể dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng và khả năng cao để lại những vết sẹo lồi xấu xí trên da. Ngoài ra, việc nặn mụn ở những người có làn da nhạy cảm cũng rất dễ để lại sẹo.
Ngoài các tổn thương trực tiếp đến cấu trúc da thì sẹo lồi còn do yếu tố di truyền, màu da và ăn uống.
Qua các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người da màu bị sẹo lồi rất cao, cao hơn 15 lần so với những người da trắng. Đặc biệt là người châu Phi bị sẹo lồi cao hơn bất kỳ các vùng khác.
Sẹo lồi có hình thành do yếu tố di truyền từ bố hoặc mẹ hoặc cả hai. Nếu gia đình bạn có bố, mẹ bị sẹo thì bạn sẽ có khả năng cao bị sẹo nên cần tránh những tác động đến da như xăm, chích,… có thể hình thành các vết sẹo lồi.
Trong thời gian bị thương hoặc vết thương đang hồi phục, thường xuyên cung cấp các loại thực phẩm như: trứng, rau muống, đồ nếp, thịt gà,… đều có thể để lại sẹo lồi.
Cách nhận biết sẹo lồi
Sẹo lồi có một số đặc điểm có thể dễ dàng nhận ra như:
- Những vết sẹo có vỏ bọc, bề mặt nhẵn, gây cảm giác nhạy cảm, căng tức, ngứa, khó chịu, đôi khi va chạm có thể bị đau.
- Kích thước lớn hơn vết thương lồi lên trên bề mặt da.
- Thường chuyển từ màu đỏ sang màu nâu.
Vị trí dễ bị sẹo lồi trên cơ thể
Sẹo lồi có thể gặp ở bất kỳ đâu trên cơ thể chúng ta như: Vành tai, sau dái tai (thường gặp do khuyên tai), vùng trước xương ức, bàn chân, cánh tay, vùng lưng,..
Nếu sẹo lồi ở những vị trí hay hoạt động như vai, ngực, đầu gối, cánh tay,… thì rất dễ bị phì đại.
Các phòng tránh sẹo lồi
Ông cha ta có câu “phòng hơn ngừa”. Đúng thế, không có phương pháp nào điều trị tốt nhất bằng việc phòng ngừa bị sẹo lồi. Có rất nhiều cách để phòng ngừa bị sẹo lồi như:
Khi bị bất kì vết thương hở trên da cần ngay lập tức xử lý làm sạch vết thương tránh nhiễm trùng; hạn chế va chạm, cọ xát vùng bị tổn thương; có thể dán miếng dán silicon để hạn chế bị sẹo lồi.
Không nên xỏ khuyên tai, phun xăm lên da hoặc tham gia các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ ở những cơ địa dễ bị sẹo lồi. Nếu xăm hoặc phẫu thuật thì nên thử ở vùng da nhỏ trước nếu không hình thành sẹo thì hãy tiếp tục thực hiện tiếp.
Nếu phải tiến hành phẫu thuật ở những người cơ địa dễ bị sẹo lồi nên cắt da theo hình cung tránh và băng bó không nên quá chặt hoặc quá trùng để tránh gây căng da dễ bị sẹo lồi. Và tốt nhất nên chủ động báo về vấn đề cơ địa mình cho các bác sĩ.
Xem thêm:
Các phương pháp điều trị sẹo tốt nhất hiện nay
Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị sẹo lồi. Tuy nhiên, không có phương pháp nào có thể làm cho da trở lại như trước được. Hầu hết các phương pháp chỉ làm mờ, làm nhẵn, giảm các triệu chứng đau rát, khó chịu.
Tùy thuộc vào mức độ và tình trạng sẹo lồi của bạn mà bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp riêng phù hợp nhất. Dưới đây là một số phương pháp điều trị sẹo lồi phổ biến hiện nay như:
Tiêm thuốc
Có thể tiêm các chất như corticoid, 5-fluorouracil, Interferon,… Tuy nhiên, hiện nay người ta thường dùng corticoid. Thuốc này sẽ được tiêm vào mô sẹo làm giảm kích thước của sẹo và giảm các triệu chứng đau rát, khó chịu do sẹo gây ra. Liệu trình điều trị khoảng tầm 6 tháng được chia thành 5 đợt. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra tác dụng phụ như teo da, mụn trứng cá, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở nữ,…
Áp lạnh
Có thể áp lạnh bằng nitơ lỏng. Phương pháp này thường kết hợp với tiêm thuốc để tăng hiệu quả điều trị. Có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn như: sưng, phù, giảm cảm giác.
Thuốc dán gel silicon
Đối với những sẹo lồi, gặp ở những bệnh nhân trẻ tuổi đặc biệt là trẻ em thì hiệu quả điều trị rất cao. Thuốc dán dạng gel silicon không gây đau nhưng phải dùng liên tục 4 đến 6 tháng nên nhiều người dễ nản và về sau thường quên sử dụng. Để tránh nhiễm trùng thứ phát, sau khi dán cần vệ sinh sạch sẽ và giữ cho thông khí.
Phẫu thuật
Là phương pháp cắt bỏ trực tiếp mô sẹo, giảm kích thước. Đây là phương pháp nhanh và đơn giản nhất tuy nhiên cần kết hợp với sử dụng các thuốc như: corticoid, dán gel silicon, băng ép,… để tránh tái phát sẹo lồi. Trong một số trường hợp vết sẹo quá lớn thì có thể bào mòn dần, tuy nhiên màu da sau đó sẽ không đồng nhất với da ở xung quanh.
Băng ép
Là phương pháp hỗ trợ tránh tái phát các vết sẹo lồi sau phẫu thuật, bỏng hoặc sau quá trình điều trị sẹo bằng thuốc.
Retinoid
Là thuốc dạng bôi có chứa 0,05% retinoid dùng để điều trị các vết sẹo lồi khá hiệu quả hiện nay và cũng khá được ưa chuộng do phương pháp khá đơn giản, dễ thực hiện và thuận tiện.
Laser
Sử dụng tia laser để làm giảm kích thước, làm mềm sẹo, giảm đỏ. Mặc dù là phương pháp sử dụng kỹ thuật công nghệ cao nhưng hiệu quả điều trị chưa được cao lắm, vẫn còn tình trạng tái phát, phát triển sẹo, ngoài ra còn khá tốn kém.
Một số câu hỏi liên quan
Bị sẹo lồi nên kiêng gì?
Những người bị sẹo nên ăn các thực phẩm tươi, sạch, giàu dinh dưỡng, nhiều vitamin A, vitamin B2, dễ tiêu hóa và hấp thu. Mọi người bị thương có thể bổ sung nghệ, rau diếp cá,… để nhanh lên da non, kháng khuẩn, kháng sinh tốt.
Hạn chế ăn những thức ăn tăng khả năng phát triển sẹo như: trứng, rau muống, đồ nếp,…
Sẹo lồi có xăm được không?
Đối với những cơ địa dễ bị sẹo lồi, việc xăm lên da rất dễ có nguy cơ bị sẹo đặc biệt ở vùng vai, ngực, đầu, cổ. Nên tránh xăm ở những vùng này và tốt nhất nên xăm thử lên 1 vùng da nhỏ trước khi xăm lên da, nếu vẫn để lại sẹo thì tốt nhất bạn không nên xăm lên da mình.
Còn đối với nhiều người muốn xăm trực tiếp lên chỗ bị sẹo lồi hoặc xung quanh vùng sẹo lồi, thì bạn cần phải tìm đến những trung tâm phun xăm thực sự uy tín, ở đó những người trực tiếp xăm hình cần phải có kỹ thuật cao, giàu kinh nghiệm xăm lên sẹo lồi để giúp da bạn được an toàn. Trước khi xăm bạn cần báo rõ về tình trạng sẹo lồi của mình để nhân viên phun xăm có những phương pháp phù hợp.
Nếu tình trạng xấu nhất xảy ra là hình thành sẹo lồi (dấu hiệu là da vùng mực sẽ dày lên) thì việc đầu tiên bạn cần làm là báo ngay cho người đã trực tiếp xăm cho bạn. Chú ý khi ra ngoài nên che chắn cẩn thận hình xăm bằng cách băng bó hoặc mặc quần áo bó vào cơ thể vừa để tránh tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời đặc biệt là tia cực tím có thể làm cho vết sẹo trở nên nghiêm trọng vừa tạo ra áp lực lên vùng da giảm sự dày lên. Có thể dán miếng dán silicon lên hình xăm sau khi da lành lại.
Chi phí trị sẹo tầm bao nhiêu?
Chi phí trị sẹo phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: kích thước sẹo to hay nhỏ, nông hay sâu; tình trạng sẹo mới hay đã lâu; phương pháp trị sẹo,…
Giá trị sẹo giữa các trung tâm cũng có thể khác nhau tùy theo phương pháp, thiết bị, máy móc, bác sỹ thực hiện, phí thuê mặt bằng và nhân viên ở mỗi nơi,…
Thông thường đối với những sẹo nhỏ, mức độ nhẹ, mới bị thì thường tiêm thuốc thì chi phí sẽ tầm từ 1 triệu đến 1,5 triệu cho một lần tiêm. Như vậy cả quá trình tầm 6 lần sẽ mất khoảng từ 6 triệu đến 9 triệu.
Trong trường hợp điều trị sẹo lồi bằng tia laser chi phí sẽ cao hơn. Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ, kích thước, tình trạng sẹo mà chi phí điều trị sẽ thay đổi từ 1,5 triệu đến 6 triệu mỗi lần điều trị. Ưu điểm của phương pháp này là chính xác, nhanh, không gây tổn thương các vùng khác.
Còn đối với những vết sẹo lồi nặng, kích thước to thì nên phẫu thuật cắt bỏ sẹo. Phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả cao, cải thiện rõ rệt tình trạng sẹo xấu mất thẩm mỹ. Chi phí của phương pháp này khá cao tầm từ 4 triệu đến 20 triệu một lần cắt bỏ.
Xem thêm:
[Kinh Nghiệm] Cách trị da khô, nứt nẻ mùa đông chỉ trong 3 ngày