1.Kem chống nắng là gì
Kem chống nắng là một sản phẩm dưỡng da, thường có nhiều dạng khác nhau, như: loại kem, xịt, gel, có khả năng giúp hấp thụ hoặc phản xạ một số bức xạ tia cực tím (UV – Ultraviolet) của mặt trời. Sử dụng thường xuyên kem chống nắng, có thể làm chậm hoặc tạm thời ngăn ngừa sự phát triển của nếp nhăn, nốt ruồi và da chảy xệ và làm chậm quá trình lão hóa của da.
2. Phân loại kem chống nắng
Dựa theo cơ chế tác dụng mà chia kem chống nắng làm 2 loại: kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học.
2.1.Kem chống nắng vật lý
Thường chứa những khoáng chất bao gồm titanium dioxide và zinc oxide (kem chống nắng hóa học thì không có 2 thành phần trên). Sản phẩm kem chống nắng vật lý có khả năng tạo thành một lớp màng chắn trên bề mặt da. Công dụng của lớp màng này là bảo vệ da bằng cách phản lại các tia UV, kết quả là da không bị tiếp xúc trực tiếp với các tia UV.
-Ưu điểm:
Giúp da tránh được các tia UVA và UVB; Sau khi thoa lên da là kem chống nắng đã hoạt động và không cần thời gian để thẩm thấu; Thời gian tác dụng khá lâu trong môi trường bình thường; Ít gây kích ứng vì vậy các nàng da nhạy cảm có thể yên tâm sử dụng; Những làn da nhạy cảm dễ bị ngứa rát khi gặp trực tiếp ánh nắng mặt trời thì sản phẩm kem chống nắng vật lý sẽ giúp làm dịu làn da của bạn.
-Nhược điểm:
Sản phẩm dễ dàng bị trôi đi khi tiếp xúc với nước. Người tiết mồ hôi nhiều thì không phù hợp; Kem chống nắng có màu trắng và không đều màu với những ai có làn da ngăm đen, nhìn sẽ không đẹp lắm khi sử dụng; Nhiều sản phẩm khi thoa lên da hình thành một lớp dày khiến da bị bí, khiến lỗ chân lông không được thông thoáng; Những người có làn da đổ dầu nhiều, dễ bị xạm da khi dùng sản phẩm này.
2.2.Kem chống nắng hóa học
Kem hóa học không phản xạ lại các tia UV, mà chúng sẽ hấp thụ luôn. Chúng có nhiệm vụ hấp thu các tia gây hại khi chiếu vào da, cùng lúc đó sẽ chuyển đổi thành nhiệt lượng và giải phóng ra khỏi da, quá trình này gọi là hấp thụ hóa học. Thành phần cơ bản của kem chống nắng hóa học chứa các chất hữu cơ như: avobenzone, octisalate, octinoxate và oxybenzone
-Ưu điểm:
Kem mỏng nhẹ, khi bạn thoa lên chúng sẽ hấp thụ vào da ngay; Có thể sử dụng thêm các sản phẩm, tinh chất dưỡng da khác một cách đồng thời; Không làm lệch màu da như kem chống nắng vật lý.
-Nhược điểm:
Đôi khi hình thành các đốm màu nâu trên da; Loại này cần thời gian ngấm vào da nên phải thoa lên trên da trước 20 phút rồi mới được bước chân ra ngoài nắng; Với những người có làn da nhạy cảm thì việc sử dụng sản phẩm kem chống nắng hóa học sẽ dễ gây kích ứng cho da nhất là vùng mặt vì có chỉ số SPF cao; Không bền, và cứ mỗi 2 tiếng bạn lại phải thoa lại một lớp khác; Da ai mà dễ bị kích ứng thì cũng không nên sử dụng loại này vì trong quá trình chuyển đổi các tia sẽ hình thành nhiệt khiến da bị ửng đỏ.
Chính vì mỗi loại kem chống nắng lại có ưu nhược điểm riêng nên bạn phải lựa chọn sản phẩm phù hợp. Đôi khi là cần có cả 2 loại để sử dụng tùy vào các trường hợp khác nhau.
3. Chỉ số SPF và PA trên kem chống nắng
Những sản phẩm kem chống nắng trên thị trường hiện nay đều có những chỉ số SPF và PA trên bao bì sản phẩm của mình.
3.1.Chỉ số SPF là gì?
SPF (Sun Protect Factor) là chỉ số thể hiện khả năng chống tia UVB của sản phẩm. Chỉ số này có thang điểm từ 1 tới 100, độ lớn của chỉ số càng cao thì thời gian chống tia UVB càng lâu.
Cứ mỗi 1 SPF = 15 phút hoạt động của sản phẩm để chống lại tia UVB. Tức là bạn cứ lấy chỉ số SPF trên sản phẩm của mình nhân cho 15 phút thì sẽ ra được thời gian hoạt động tối đa của kem chống nắng.
Ví dụ: Chỉ số SPF trên sản phẩm là 15 thì thời gian hoạt động sẽ là: 15 x 15 = 225 phút = 3 tiếng 45 phút.
Nhưng trên thực tế thời gian này chỉ mang tính chất tương đối mà thôi nha. Theo nghiên cứu cho thấy thì những người có làn da ngăm hơn thì thời gian tác dụng sẽ cao hơn. Tức là 1 SPF đối với người da ngăm sẽ là 20 phút còn với người da trắng sáng thì 1 SPF chỉ bằng khoảng 10 phút mà thôi.
Không chỉ thể hiện thời gian chống tia UVB,. chỉ số SPF mà càng lớn thì khả năng chống tia này càng cao. Ví dụ SPF = 1 thì có khả năng kháng được 93% tia UVB nhưng SPF = 30 thì con số này lên tới 97%, còn SPF = 100 thì kháng được 99%.
Tuy nhiên các bạn tránh nhầm lẫn là SPF càng cao thì càng tốt. Chỉ số này sẽ chứa nhiều thành phần hóa học hơn và dễ gây nhạy cảm cho da hoặc nổi mụn. Cho nên một sản phẩm phù hợp với điều kiện thời tiết như ở Việt Nam thì SPF khoảng tầm 30 – 50 là phù hợp rồi.
3.2.Chỉ số PA là gì?
Chỉ số PA (Protect Grade of UVA) chính là chỉ số đo lường khả năng chống tia UVA từ ánh nắng mặt trời. UVA gây lão hóa da nên sản phẩm này sẽ ngăn ngừa tình trạng này xảy ra khi chúng ta đi nhiều ngoài trời nắng.
Khác với SPF thì PA lại sử dụng dấu “+” để thể hiện mức độ của mình. Càng nhiều dấu + thì sản phẩm này càng kháng tia UVA mạnh hơn.
Thang đo khả năng chống tia UVA như sau:
PA+: chống được 40 – 50% UVA.
PA++: chống được 60 – 70% UVA.
PA+++ chống được 80 – 90% UVA.
PA++++: chống được trên 90% UVA.
Kỳ tiếp: Cách sử dụng kem chống nắng đúng đúng cách, hiệu quả